Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 591.000 ca bệnh COVID-19 và trên 9.500 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 126 triệu ca, trong đó trên 2,76 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Brasilia, Brazil, ngày 22/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (92.990 ca), Ấn Độ (59.069 ca) và Mỹ (trên 55.800 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (2.375 ca), Mỹ (934 ca) và Mexico (579 ca).
Từ đầu dịch tới nay, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 30,7 triệu ca nhiễm, trong đó có trên 559.000 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 12,3 triệu 9 ca nhiễm và trên 303.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Ấn Độ với trên 160.900 ca tử vong trong tổng số 11,8 triệu ca nhiễm.
Nhiều nước trên thế giới tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Tổng thống Mỹ đặt mục tiêu 200 triệu lượt tiêm chủng trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Anchorage, bang Alaska, Mỹ ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Joe Biden dự định sẽ công bố mục tiêu bổ sung là đạt 200 triệu lượt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền.
Mục tiêu mới được đưa ra sau khi Mỹ đạt được mục tiêu ban đầu của Tổng thống Biden là 100 triệu lượt tiêm vaccine hôm 19/3 vừa qua - ngày thứ 59 tại vị của tổng thống.
Theo hãng NBC News, sau khi triển khai chậm hơn dự kiến dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đã tăng lên nhanh chóng, trung bình khoảng 2,5 triệu liều vaccine mỗi ngày. Điều này cho phép nước Mỹ đạt 205 triệu liều vaccine trong vòng 5 tuần tới với kỳ vọng dự kiến vào ngày 23/4, trước thời điểm 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Biden.
Được biết, chính phủ liên bang đã thỏa thuận với các hãng dược phẩm về việc thúc đẩy sản xuất vaccine, trong đó đặt hàng của Johnson & Johnson 200 triệu liều vaccine với mục tiêu hoàn thành một nửa đơn hàng vào cuối tháng 6 tới. Công ty Merck đang hỗ trợ Johnson & Johnson thực hiện mũi tiêm một liều J & J. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng đạt được thỏa thuận 600 triệu liều vaccine của Pfizer và Moderna.
Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ thảo luận về mục tiêu mới trong cuộc họp báo đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tháng trước đã phê chuẩn việc triển khai hơn 1.000 binh sĩ tại ngũ để hỗ trợ cung cấp vaccine COVID-19 trên khắp nước Mỹ trong nỗ lực tăng tốc độ tiêm chủng.
Nhiều nước châu Âu thông báo số ca nhiễm mới cao nhất
Nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại bệnh viện ở Brovary, Ukraine, ngày 24/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ukraine thông báo có thêm 16.669 trường hợp mắc mới COVID-19 - mức cao nhất kể từ ngày 28/11/2020. Trong khi đó, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay, với 363 ca, cao hơn 21 ca so với mức kỷ lục ghi nhận 1 ngày trước đó.
Trong những tuần gần đây, số ca nhiễm mới tại quốc gia Đông Âu với 41 triệu người dân này tăng mạnh. Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal xác định đây là làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch bệnh ở nước này. Tính đến nay, Ukraine ghi nhận tổng cộng 1.596.575 ca mắc COVID-19, trong đó có 31.135 trường hợp không qua khỏi.
Trong khi đó, số ca nhiễm tại Đức cũng tăng thêm 22.657 ca - mức cao nhất kể từ ngày 9/1 vừa qua. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức là hơn 2,7 triệu người, trong đó có 75.440 người không qua khỏi.
Cũng trong 24 giờ qua, Ba Lan ghi nhận thêm 34.151 ca nhiễm mới - mức cao nhất từ trước tới nay, và 520 ca tử vong. Tính đến nay, đã có 2.154.821 người nhiễm bệnh, trong đó có 50.860 người không qua khỏi ở nước này.
Đức bắt buộc có kết quả xét nghiệm trước khi nhập cảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 22/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế liên bang Đức có kế hoạch yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với mọi trường hợp trước khi nhập cảnh Đức. Dự thảo liên quan đã được gửi tới Phủ Thủ tướng cũng như các bộ liên quan, trong đó nhấn mạnh yêu cầu bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm trước khi đáp chuyến bay tới Đức, không phân biệt người nhập cảnh có phải đến từ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm hay không. Theo Bộ Y tế liên bang, việc làm xét nghiệm (với kết quả âm tính) sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác khi bay cũng như "nhập" thêm mầm bệnh vào Đức.
Theo kế hoạch, quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 26/3 và trước mắt kéo dài tới 12/5 tới. Cho đến nay, việc xét nghiệm trước khi nhập cảnh Đức mới chỉ áp dụng bắt buộc với những người đã lưu trú trong 10 ngày trước đó ở khu vực có số ca nhiễm đặc biệt cao hoặc có biến thể lây lan mạnh (khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao theo danh sách của RKI).
Nga bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn vaccine ngừa COVID-19 thứ 3
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 23/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Hãng tin Interfax dẫn lời một bộ trưởng trong Chính phủ Nga ngày 25/3 cho biết Trung tâm Chumakov của nước này đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba đối với vaccine có tên CoviVac - loại vaccine ngừa COVID-19 thứ ba của Nga.
CoviVac cùng với EpiVacCorona và Sputnik V là 3 loại vaccine ngừa COVID-19 do Nga sản xuất và đã cấp phép lưu hành khẩn cấp, nhưng Sputnik V là vaccine được biết đến nhiều nhất.
Cùng ngày, Bộ Y tế Belarus cho biết nước này đã bắt đầu sản xuất số lượng lớn vaccine Sputnik V của Nga và lên kế hoạch sản xuất lên tới 500.000 liều/tháng.
Diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng tại Pháp
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 20/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận 45.641 ca mắc mới và 225 ca tử vong. Ngày trước đó, Bộ Y tế Pháp cho biết nước này có thêm 65.373 ca mắc mới COVID-19, cao gấp 4 lần so với số trường hợp ghi nhận trong ngày 23/3.
Kể từ ngày 19/3 vừa qua, 1/3 dân số Pháp - trong đó bao gồm cả những người sống tại vùng thủ đô Paris - đã phải sống trong lệnh phong tỏa kéo dài trong 4 tuần. Các chuyên gia cho rằng sẽ mất khoảng hai tuần để các biện pháp hạn chế phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch COVID-19.
Ấn Độ ghi nhận số ca mắc theo ngày cao nhất trong 5 tháng
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Delhi, Ấn Độ ngày 24/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tính đến ngày 25/3, Ấn Độ đã có tổng cộng 11.787.534 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, sau khi ghi nhận thêm 59.069 ca nhiễm mới - mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 23/10/2020. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ là 160.983, tăng 257 ca.
Đáng lưu ý, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS CoV-2 ở 7 bang, trong đó có bang Maharashtra - nơi dịch bệnh đang hoành hành nghiêm trọng. Theo một số chuyên gia, sự xuất hiện của biến thể mới này là một phần nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng cao. Tuy nhiên, các quan chức cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận.
Trước tình trạng lây nhiễm đáng báo động trong những tuần qua, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người trên 45 tuổi kể từ ngày 1/4 tới. Đến nay, nước này đã tiêm vaccine COVID-19 cho 52,2 triệu người và đã xuất khẩu hơn 60 triệu liều đến khoảng 80 quốc gia trên thế giới. Theo các nguồn thạo tin, Ấn Độ có thể sẽ không mở rộng xuất khẩu vaccine COVID-19 trong những tháng tới để tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước do tình hình lây nhiễm đang tăng mạnh.
Đông Phi bắt đầu chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ 3
Tiến sĩ John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) đánh giá làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang xảy ra tại Đông Phi do trong 4 tuần qua, số ca nhiễm mới của khu vực này đã tăng 98%.
Riêng ở Kenya, số ca nhiễm mới đã tăng 400% trong vài tuần qua. Chính phủ Kenya quyết định từ ngày 29/3 tới, các cơ sở công cộng và tư nhân nước này bắt đầu thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội triệt để hơn, tăng thời gian làm việc tại nhà và chỉ lực lượng lao động thật sự cần thiết mới được phép tới nơi làm việc.
Châu Phi đã ghi nhận hơn 4,1 triệu ca mắc COVID-19. Trong đó, gần 2,8 triệu ca mắc đã hồi phục và số người tử vong do COVID-19 là khoảng 111.300.
Số ca mắc bệnh ở châu Phi tăng 30% trong làn sóng dịch thứ hai
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở Khartoum, Sudan, ngày 9/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng số các ca mắc bệnh COVID-19 tại châu Phi đã tăng 30% khi làn sóng thứ hai của dịch bệnh đang hoành hành tại các nước này hồi năm ngoái và các chính phủ có phần lơ là biện pháp phòng ngừa hơn so với làn sóng dịch bệnh đầu tiên.
Trong một báo cáo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet, các nhà nghiên cứu cho biết việc nới lỏng các hạn chế để phòng ngừa dịch bệnh như điều chỉnh khoảng cách tiếp xúc an toàn và thời gian áp đặt lệnh phong tỏa có thể làm gia tăng số ca tử vong trong đợt làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Nghiên cứu đã xem xét các trường hợp mắc bệnh, tử vong và phục hồi sau khi mắc COVID-19 cũng như dữ liệu xét nghiệm được tiến hành tại 55 quốc gia thành viên Liên minh châu Phi (AU) từ ngày 14/2 đến tháng 31/12/2020, đồng thời phân tích về các biện pháp phòng dịch như đóng cửa các trường học và hạn chế đi lại dựa trên những dữ liệu công khai.
Ở thời điểm cuối năm 2020, châu Phi đã ghi nhận gần 2,8 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 3% tổng số ca COVID-19 trên toàn cầu) và chỉ có hơn 65.000 ca tử vong. Trong làn sóng dịch đầu tiên, số ca nhiễm mới ghi nhận theo ngày của châu lục này ở mức trung bình là 18.273 ca. Trong đợt bùng phát thứ hai, con số này là 27.790 ca/ngày (tăng 30% so với đợt đầu).
Trong số 38 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong làn sóng thứ hai của dịch COVID-19, các nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 50% các biện pháp hạn chế được áp dụng so với trong đợt bùng phát dịch đầu tiên.
Thùy Dương/Báo Tin tức