Ngày hôm nay

Bộ Y tế họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K3 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 vẫn đang được kiểm soát tốt

Sáng ngày 12/5/2021 tại Hà Nội, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi họp trực tuyến với hai Bệnh viện được phong toả để phòng, chống dịch COVID-19. Đó là Bệnh viện K cơ sở 3 và BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại cuộc họp từ đầu cầu Bộ Y tế

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận Bệnh viện K và BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã cố gắng, tập trung cao nhất để khoanh vùng, dập dịch. Đến nay, chúng ta vẫn đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong nước cũng như tại hai bệnh viện.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị hai Bệnh viện rà soát lại khâu tổ chức điều hành trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch của Bệnh viện với các tiểu ban Tiền phương và Hậu phương.

Rà soát lại khâu tổ chức điều hành trong phòng, chống dịch của hai Bệnh viện, kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của Bệnh viện, và bắt buộc Ban chỉ đạo phải do Giám đốc làm Trưởng ban.

Rà soát công tác sàng lọc trong Bệnh viện từ phân luồng, khám sàng lọc với tất cả đối tượng đến khám chữa bệnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng yêu cầu, hai Bệnh viện định kỳ ít nhất 7 ngày phải làm xét nghiệm cho cán bộ nhân viên y tế, đặc biệt các nhân viên làm việc ở nơi có nguy cơ như khoa cấp cứu, Trung tâm thận nhân tạo, hô hấp và truyền nhiễm… Sau đó tiếp tục sàng lọc xét nghiệm toàn bộ nhân viên bệnh viện. Bệnh viện cần thực hiện nghiêm điều này.  “Nếu làm tốt sàng lọc thì công tác kiểm soát dịch của chúng ta sẽ tốt hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là Bệnh viện tuyến cuối về điều trị COVID-19. Các bệnh nhân nặng ở quanh Hà Nội cũng đều chuyển về đây. Do đó, Bệnh viện cần rà soát lại quy trình ngay lập tức, hướng dẫn, quy trình thực hiện trong các khu điều trị bệnh nhân COVID-19 để tránh lây nhiễm chéo trong khu điều trị, trong Bệnh viện và lây nhiễm ra cộng đồng.

Với Bệnh viện K, Thứ trưởng chỉ đạo, Bệnh viện cần bố trí sẵn sàng khi phát hiện bệnh nhân dương tính chưa thể chuyển đến cơ sở khác thì chuyển ngay đến khu đó đề điều trị và tuân thủ theo Phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế.

Trong tình hình hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các Bệnh viện thường xuyên nhắc nhở nhân viên, người nhà, bệnh nhân. Mỗi cơ sở y tế cần có hệ thống phát thanh để nhắc nhở những nơi đông người như phòng khám, yêu cầu thực hiện 5K, tránh tụ tập.  “Các bệnh viện cần rà soát lại, sửa quy chế ra vào thăm bệnh nhân, hạn chế tối đa người nhà vào thăm trong lúc dịch bệnh như thế này”- Thứ trưởng lưu ý. 

Với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn tiếp tục thu dung bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19 nặng. Đảm bảo thực hiện phương châm 4 tại chỗ.

Đối với bệnh viện khác bố trí một khu sẵn sàng khi phát hiện bệnh nhân dương tính phải chuyển đến khu đó để điều trị khi chưa chuyển đi được nơi khác và tuân thủ theo phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 Bộ Y tế đã hướng dẫn.

Với các địa phương, khi có ca bệnh phải điều trị tại chỗ, trường hợp cần thiết xin ý kiến hội chẩn chuyên gia đầu ngành qua hệ thống trực tuyến Telehealth- Khám chữa bệnh từ xa; chỉ chuyển tuyến lên Bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi có bệnh nhân năng, vượt khả năng điều trị.

Các bệnh viện cần thông báo về địa phương, giao cho công an, y tế rà soát, giám sát những ca nghi ngờ để tìm ra F0….

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến, TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết:  hiện nay tại Bệnh viên Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 372 nhân viên; 305 bệnh nhân và 41 người nhà. Bệnh viện đang điều trị cho 284 ca dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra có 21 bệnh nhân thường khác.

Bệnh viện đề xuất chuyển những bệnh nhân thường, không mắc COVID-19 và đã có kết quả xét nghiệm từ 2-3 lần âm tính với SARS-CoV-2 sang các cơ sở y tế khác để tránh lây nhiễm, và cũng phù hợp với mong muốn của người bệnh.

Tất cả nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đều âm tính vì phòng hộ rất nghiêm ngặt, do đó nguồn lây khả năng do từ ngoài vào, bệnh nhân đến tại phòng khám bệnh, khoa điều trị tích cực…

Xét nghiệm giải trình tự gene do Bộ Y tế công bố các mẫu liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cũng cho thấy các mẫu này nhiễm biến chủng lần đầu tìm thấy ở Ấn Độ. Qua theo dõi các bệnh nhân COVID-19 thì gần như 10 ngày đầu không có triệu chứng lâm sàng gì, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường…

Các điểm cầu kết nối của Bộ Y tế với 2 bệnh viện tại cuộc họp

 

Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS Lê Văn Quảng Giám đốc Bệnh viện K cũng chia sẻ, Bệnh viện thực hiện phương pháp cách ly từng khoa, tầng, khối nhà về chủ động sàng lọc. Từ ngày 07/5/2021 đến nay không phát hiện ca nào trong bệnh viện.

PGS.TS Lê Văn Quảng cho biết thêm:  hiện nay Bệnh viện K đang chịu áp lực lớn, đặc biệt từ bệnh nhân đang trì hoãn điều trị. Bệnh viện đã phân công cho các khoa, phòng gọi điện trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân. Đến hôm nay đã gọi gần hết cho các bệnh nhân.

Lãnh đạo Bệnh viện K cũng đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ các trường hợp F1 đang cách ly tại bệnh viện, hỗ trợ test nhanh, tạo điều kiện cho bệnh nhân nhẹ về tuyến dưới…

Tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đến nay đã thực hiện xét nghiệm lần 2, 3 đều cho kết qủa âm tính với SARS-CoV-2, vì vậy bệnh viện cũng xin ý kiến Bộ Y tế ở các khoa không có yếu tố dịch tễ có thể mở lại để đón tiếp bệnh nhân.  

Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên cũng cho ý kiến tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều nếu an toàn thì có thể cho mở một số Khoa. Tuy nhiên, Bệnh viện K cần làm việc thêm với UBND TP Hà Nội. Đồng thời, Bệnh viện K cũng cần chỉ đạo hệ thống Bệnh viện chuyên khoa ung thư, các khoa điều trị ung thư cần tập huấn cho bác sĩ tuyến dưới, không chuyển nhiều bệnh nhân lên tuyến Trung ương. Bên cạnh đó, các Bệnh viện phải đảm bảo công tác điều trị bệnh nhân thường quy song song với phòng, chống dịch./.