Ngày hôm nay

BHYT thông tuyến tỉnh: Khi nào vẫn phải quay về tuyến huyện?

Việc thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế (BHYT) kể từ ngày 01/01/2021 không cần giấy chuyển tuyến khiến đông đảo người dân mừng rỡ, thế nhưng cũng đặt ra nhiều áp lực đối với bệnh viện tuyến tỉnh khi phải tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân “vượt tuyến”.

Khoản 3 Điều 22 Luật BHYT 2008, sửa đổi bổ sung 2014 đã chỉ rõ: Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước từ 01/01/2021.

Theo chương trình Thời sự toàn cảnh phát trên VTV1 vào 17h ngày 15/01/2021, lượng bệnh nhân vượt tuyến lên thẳng bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị nội trú đã tăng 10%, tập trung vào các  bệnh mãn tính và sản, nhi.

Thế nhưng, trên thực tế, không phải bệnh nhân nào vượt tuyến lên tuyến tỉnh cũng được dễ dàng được hưởng quyền lợi khi thông tuyến tỉnh BHYT, do “ chưa đủ điều kiện để điều trị nội trú”. 

Tâm lý chung của người dân là luôn muốn lên bệnh viện tuyến trên để yên tâm hơn về trình độ y, bác sĩ, trang thiết bị vật tư y tế. Tuy nhiên, chỉ định trường hợp nào điều trị nội trú, trường hợp nào điều trị ngoại trú trú lại hoàn toàn là do bác sĩ. Khoản 2 Điều 58 Luật Khám, chữa bệnh 2009 quy định:

2. Điều trị nội trú được thực hiện trong trường hợp sau đây:

a) Có chỉ định điều trị nội trú của người hành nghề thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Có giấy chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

Vì thế, có những trường hợp bệnh nhân được bác sĩ xác định là “chưa cần thiết để điều trị nội trú” thì sẽ phải về bệnh viện tuyến huyện để tiếp tục điều trị, nếu muốn được BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, tại Chỉ thị số 25/CT-BYT ban hành ngày 21/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:

Không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết ….

Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, chuyển một số bệnh mạn tính ở thể trung bình và nhẹ về tuyến huyện và xã quản lý.

Nhằm kiểm soát tình trạng người dân ồ ạt đổ về bệnh viện tuyến tỉnh để được hưởng quyền lợi 100% chi phí điều trị nội trú (trong phạm vi được hưởng), một số bệnh viện hiện đang áp dụng nguyên tắc để được nhập viện điều trị nội trú, bệnh nhân phải có hội chẩn của lãnh đạo các khoa, phòng của bệnh viện…

Nguồn: Luật Việt Nam

(https://luatvietnam.vn/bao-hiem/bhyt-thong-tuyen-tinh-khi-nao-van-phai-quay-ve-tuyen-huyen-563-28571-article.html)